TRAN XUAN AN - KE BI NEM VAO BAO

TRẦN XUÂN AN - KẺ BỊ NÉM VÀO BÃO

27.11.05

KẺ BỊ NÉM VÀO BÃO

TRẦN XUÂN AN

KẺ BỊ NÉM VÀO BÃO
tập thơ


NHÀ XUẤT BẢN TRẺ TP. HCM.

1995


“… làm sao cho tận thôn cùng xóm vắng
không còn tiếng hờn giận oán sầu,
ấy là gốc của nhạc”.


Ức Trai
NGUYỄN TRÃI


Cao Quảng Văn

ĐẰNG SAU NỖI BUỒN
CÓ NIỀM VUI SÁNG TẠO?


Tập thơ thứ năm của Trần Xuân An sáng tác trong bốn năm gần đây (1991 – 1994) (*) – với 151 bài thơ ngắn – đã để lại trong lòng tôi nhiều suy nghĩ. Hình như thơ Trần Xuân An (**) kén người đọc và không thể chỉ đọc một lần. Mặc dù, mỗi chữ, mỗi dòng thơ ấy đậm đà bao nỗi buồn vui về con người và cuộc đời.
Không thể không nhận ra có chút gì chua chát, xót xa, lắng sâu ở đằng sau những dòng tỉnh táo. Những dòng lặng lẽ đau đáu niềm đau, canh cánh nỗi buồn. Nhà thơ lặng lẽ ghi và chiêm nghiệm bao nhiêu chuyện đời, qua đôi mắt tinh tế, với tấm lòng mẫn cảm, dẫu rằng có đôi lúc mệt mỏi?
Thơ Trần Xuân An mang nhiều dấu ấn những năm sau cùng thế kỉ XX. Và tự thân tứ thơ thể hiện nỗ lực cách tân ngôn ngữ, từ điệu. Thơ Trần Xuân An thường hàm súc, ít lời. Có cái nhìn quay vào bên trong, có cái nhìn phóng ra xa về bao la vũ trụ.
Dẫu không bị chi phối, bận tâm nhiều với chuyện cách tân, nhưng có lẽ trong thâm tâm Trần Xuân An, tôi nghĩ rằng, Trần Xuân An không hề bằng lòng và cho phép mình đi theo những lối mòn.
Phải chăng, trong một loé sáng của tâm thức không còn hồn nhiên, Trần Xuân An đã ngỡ ngàng, bất chợt tìm ra chính mình…
Nhớ đôi lần dưới gốc cây vỉa hè, Trần Xuân An bảo, “mỗi tập thơ đều phải mở rộng như hai lá phổi, luôn luôn hít thở tình người lẫn khói bụi ta bà, nhưng mãi hoài ấp ủ một trái tim chưa nguôi khát vọng tinh lọc, trong từng nỗi niềm co thắt – căng đầy”.
Và lòng tôi chợt vui vì người bạn thơ Trần Xuân An vẫn tiếp tục đi, không ngừng đi tới, trên con đường sáng tạo của mình.

CAO QUẢNG VĂN
Tháng giêng, 1995



Cước chú bài Tựa của Cao Quảng Văn:
(*) Thật ra, tập thơ này phần lớn được sáng tác trong năm 1994.
(**) Nguyên văn chỉ gọi là An một cách thân tình. Ở đây, tôi chữa lại cho đầy đủ tên họ, phù hợp với trang đề tựa, hướng đến người đọc.
(Chú thích ngày 17. 03. 2005).




Trần Xuân An

CHÉN RƯỢU
TRÀN BÔNG KHẾ TÍM

người lính già bâng khuâng đọc thơ
mái tranh chiều giọt từng bông khế tím
kẻ từ xứ giá băng
nhấp ráng hồng buồn lịm
tê tím những vì sao khuya khoắt Ca-li (*)

xưa vác tầm vông vạt nhọn ra đi
gửi lại quê nhà đứa con chưa biết mặt
ngày súng tắt
nơi rào tù tàn binh
giấu tím dòng nước mắt
ruột thịt lần đầu thấy nhau!

chuyện trò ngàn đêm, nào gặp gỡ đâu
dẫu cùng dưới mái tranh này
cùng mền khăn cơn sốt rét
mẹ thêm già nua giằng xé lòng mỏi mệt
bao bữa cơm bỏng lạnh
hiên chiều giọt tím rơi rơi

người lính già lại đăm đăm,
trơ trọi chơi vơi
thắp hương thương vợ
chạnh nhớ con trôi giạt
tiếng súng rền giấc mơ nửa đêm tỉnh giấc
sương tím nhem nhoè phong thư xa xôi

bây giờ, cha bên con
đều trầm lắng nỗi đời
bông khế rụng vào nền trời tím
sao tím vợi vời
tím nốt nhạc rưng rưng
khói nhang vờn tím
đứa con trở về nhìn cha
bâng khuâng chén rượu
tím chiều.




Viết tặng…
Rút từ tập thơ
“Lặng lẽ ở phố”

Cước chú của bài “Thay lời ngỏ: “Chén rượu tràn bông khế tím””:
(*) California, một tiểu bang của Mỹ (USA.).
(Chú thích ngày 15. 03. 2005).


đồng không, bông súng

lung lay chim nhỏ
hé giọng đỏ hồ
búp bấc đèn nở
đêm loang bao giờ.

đất và cát

bờ sông đất cũ lở rồi
men qua triền cát một tôi cúi tìm
thương thời hoài nhớ giạt chìm
gặp bao lóng lánh bên im vắng này.

quê cha

lạch mặn triều, gắng ngọt, bạc rong rêu
tre cọ cháy, lúa xép cằn, quả đắng
miền gió lửa đời ông hoang mạc trắng
nhang mộ bà ngún bỏng tận lòng đau.

mặc niệm mới: Người Mẹ Việt Nam

sân đình mái lợp mây trời
vút cao dáng tượng hồn người vô danh
bốn nghìn năm ngát bệ xanh
bao cành tên tuổi hoá thành hương thiêng.

tình yêu

lẻ loi trong vòng tay nhau…
đèo xa, buốt
biển xa, đau
nhớ về
chạm châm mây ngọn tóc thề…
sóng-ngàn-trùng, vẫy
hương-kề-môi, xua!

đùa chút đỉnh với “tôn nữ” và mưa…

gặp em – công chúa xa xưa
sen-mười-sáu, trước cung vua, nghiêng chào
ngựa sắt thồ dám gửi trao
phó thường dân cởi “chiến bào” toan dâng!

một-đi-không-trở-lại và ảnh ảo

tôi xin trố mắt lặng nhìn
dáng mơ Chiêm nữ xưa in chân trời
bước từ tháp nắng về đời
áo xiêm chói đỏ trên lời hát xa.

sức hút của đất

vườn nắng chiều mưa, chiêm bao
ai gầy nhánh biếc, chớp rào quanh tôi
ngước tìm thơ chín khuất đời
vang đau tiếng rụng, tỉnh rồi, đất ơi.

thắp nhang

khói lam trầm thoảng lên cao
tan vào mây, trắng mưa xao xác đời
trĩu nâng chén nước em mời
rung từng nhánh bạc hồn người thơ xưa.

cuồng tín

cái say khát vọng, rất điên
mình tàn-nhẫn-quá-hồn-nhiên với mình
bút cay nghiệt mực trắng tinh
viết lên đêm tối thư tình rạng đông!

thơ ở Nhà Cười với những khung kính

bật cười. Và lặng người. Rưng nước mắt
em soi vào cong vênh kia,
ngẩn ngơ trước méo lệch dị hình
biết đâu là tôi, trong những-cái-nhìn-
úa-nhoà-quanh-đời-ảo-thật?
thì trước trung thực này, ta lại được nhân lên
khi chạm trán chính mình.

tượng trắng và hoa sân nhà

ngỡ trút hết về tuổi cũ
quanh em lá vạn tuần trăng
mục chờ trăm bài toán biếc
bay lên mênh mang ngàn đàn bướm vàng.

còn trong gió rét

… nhện giăng rối rắm mùa thương cũ
anh về so lại dấu chân xưa…
nhánh tre trầm cúi soi lòng nhớ
… khoả lấp, rong nhoà ao ấu thơ… (*)

Cước chú của bài “Còn trong gió rét”:
(*) Đây là một khổ thơ trong một bài thơ khoảng mười mấy khổ, đã in trong một tuyển tập thơ ronéo của sinh viên Đại học Sư phạm Huế, năm 1976.


khi không và về đâu

huyệt buồn ma trơi lửa nhớ
mồ tôi rêu mục mưa đông
chẻ bia: dăm thanh củi nỏ
khói chen râu tóc cay nồng.

ảo giác Đầm Sen

cõi núi đầm nào em không em nữa
ai ngát nắng xao tình thơm đôi lứa
bước từng phiến mỏng lao đao – đá trôi
đá trôi lá úa – mơ hồ hạt nước
nghiêng chao – trắng vươn đoá sen
trầm vữa! Lối về chiều hồng gió lụa
nỗi buồn vút cao.

sớm của muộn

đoá trăng tuổi bốn lăm
mới thực rằm thắm vội?
bóng lả sương lá rối
khoả ngạt trời hoa râm.

vườn trẻ cho tuổi xế tàn

quay đu quay đu quay
ngược vòng về tuổi nhỏ
đôi chim non gại mỏ
tóc nhuốm mờ hoen mây!

tuổi bỗng triệu năm và tươi trẻ

xoã trôi dòng tóc xanh
lịm bãi nhàu rợn trắng
bơi vút vào mặn đắng
nâng hừng đông long lanh.

bên những nấm mộ

như từng pho sách ngàn năm
phủ khăn truyền thuyết sóng thầm miên man
rời dòng, thương lạnh nghĩa trang
rủ “sơ” (*) dựng quán cho ngàn tình thơ.

Cước chú của bài “Bên những nấm mộ”:
(*) “Sơ” hoặc “xơ”: sœur: chị.
Đại danh từ giáo dân dùng để gọi nữ tu Thiên Chúa giáo.


ở đan viện (*) đồi thông

quả tim gửi lại trên cành
tình xưa tu kín dưới xanh rêu này
em thanh thoát trong đoạ đày!?
sầu nhân trái rụng, song dày âm u.

Cước chú của bài Ở đan viện đồi thông:
(*) Nhà tu kín của Thiên Chúa giáo.

khất thực và thiền

chay trong chất mặn nguyên sơ
ánh đạo vàng thoảng khắp bờ tre tranh
núi trưa chuông mõ trầm thanh
trên tay tôi Đức Phật xanh tóc thiền.

tượng Phật Tánh trong chùa nguyên thuỷ

nghe mênh mang sợi khói tro
bé trăm tượng-phật-đất-thô mỉm cười
cơ hồ giáp mặt cuộc đời…
tôi ngồi bệt xuống ngó tôi trên nền.

chút lòng về trước

chênh vênh lênh đênh đường đang xa
bóng tôi đã khuất với quê nhà
cát chìm cát trắng nắng hoa
lá về cội cũ xanh oà chồi non.

phân thân

rừng xanh rừng tía rừng đen dài
biển tím chiều, biển, biển biếc mai
thoáng thơ dại thoắt tàn phai
tôi trôi bát ngát trôi hoài cùng tôi.

ca dao khóc

tôi bụi bặm và tôi đang tan
bơi trong xanh nắng ngợp vỡ vàng
bỗng ai khản giọng ru khan?
bến sông xưa chới với làn điệu quê.

xứ cát

chiều lộng óc bỏng gió xót cay
thấm mồ hôi vẫn bạc chốn này
vầng trăng màu huyết cuối ngày
khuya xanh rười rượi nghe gầy bóng ai.

tranh tố nữ

chấm hồng mông mênh
tím đồi hoang vắng
trắng sương lênh đênh
đảo trôi bảng lảng.

tranh giọt lệ

đụn nắng rơm vàng
trắng hương bưởi ngát
hay tiếng vỡ trăng
trong hạt nước mắt?

tranh Người Mẹ

cội từ nguồn xanh
ngàn năm bão lũ
ai dựng vào tranh
mẹ nhoà huyền sử.

tranh Tây Nguyên

chiêng đồng núi sương
hừng đông voi bạc
dáng cha lên nương
tóc bay tiếng thác.

dáng đàn chòm sao

chiếc gàu sòng vỡ vầng trăng
bảy hạt sáng vút và rơi
hạt nước mắt, hạt mưa, hạt lúa vàng, hạt nắng
hạt sữa hồng, hạt mồ hôi, hạt đậu lấm bùn
ngọt bùi mặn đắng
đồng bồng bềnh sóng khơi, ơi bảy hạt sao trời.

chất sáo

lóng nứa vàng những đốm lửa khuất vào đâu
thổi ngọt mùa đông tình em ấm áp
ngón tay láy rung
bờ môi ngỡ chừng e ấp
em nuốt bao giọt lệ cháy lòng
phả man mác mùa hạ tôi
ngọn gió thoảng hương cau.

kèn hồng hoang

tù và lảnh lói thuở xa xôi
anh phổ vào tiếng cười tiếng nấc
hồn trời xa ngát xanh
nỗi thẳm sâu lòng đất
trăng lưỡi liềm gãy đôi ngấm bùn đen (*),
nhặt lên thổi vang
chất giọng sáng ngời.

Cước chú của bài “Kèn hồng hoang”:
(*) Tình cờ gần ý với Mạnh Giao (?) thời Đường, Trung Hoa.


đàn bầu

sợi tóc nào lúc bạc cỗi lúc xanh tươi
tôi chợt sống trọn đời tôi nhờ tay em đêm ấy
giọng khóc u oa
tiếng chậm buồn trĩu khô chiếc gậy
nhà hát đông người
khúc nhạc kia
sao vẫn gảy lên từ đâu đó trong tôi.


từ vệ tinh, ảnh không lời về những quảng trường
lăng tẩm trên trái đất


ôm con thều thào
luội đờ ngó tượng!
bồng súng nghiêm chào
xót cay gió chướng!

thấy ở hiệu may

rách rưới mù loà
ngửa tay nghẹn đắng
thạch cao gấm hoa
rỗng khoe ngực lẳng!

khoả thân sống

nõn nường thuê buôn
điện cuồng nắng quái
lụa vải đẫm hương
mỏng sương man dại!

đen đúa

đôi khi buồn sững đến hư vô
hạnh phúc, bùng và rụi, rừng khô
vút chim hót lạnh trơ vơ
cây than chết đứng xanh chờ rễ đen.

xanh bầm

đôi khi rêu gỉ đến lãng quên
hạnh phúc, không và lộng, trăng lên!
hụt, câm, sóng lở một bên
bên này đất điếc ngập hoen chân cầu.

bạc trắng

đôi khi ngã sấp đến bạc đầu
hạnh phúc, tìm và gặp, sóng đau
ôm chầm, cát trắng trắng hàu
sao xanh bợt nớt còng nhàu dấu chân.

biếc trong

đôi khi thênh thang đến lâng lâng
hạnh phúc, đường và đích, lòng dâng
bước hoài, rong ruổi, bâng khuâng
nắng đèo bão thác đọng ngần biếc sương.

mùa xuân

đất đá và cát bụi thôi
nắng vào trăng, trăng ngời óng mật
nhưng nguồn sáng lại từ trái tim em,
tôi mở phơi trang sách tôi se sắt
mở tung lồng ngực tôi cằn khô,
quặng chữ đỏ nung
một đóa mặt trời.

mùa hạ

tóc em chảy qua vai tôi
hoang hoá cháy khô đã xanh đồi mướt suối
đêm em xoã lên đời tôi
vầng trăng in vầng trăng xuống lòng đá sỏi.

mùa thu

người đàn bà tuổi hai mươi
mang hạt máu tinh khôi
vòm trời trong em một mặt trời đỏ hỏn
choàng khẽ vũ trụ riêng tôi, áp nghe
nhịp tim thì thầm nhịp tim đùa giỡn
chờ con của chúng ta ôm chầm cả quả đất,
bỡ ngỡ khóc vang niềm hạnh phúc ra đời.

mùa đông

nàng thơ thắp vầng trăng con gái chín giòn
thơm mùi cỏ dại
từ chân trời thơ tôi, mấy mùa hoa yêu thương,
em đã bước vào nhà
rất thật thịt da vô ngần chơi vơi xa ngái
tôi gom góp từng mảnh sao rơi, lót ổ cùng em
sinh nở chói loà.

tàu đi

trôi trôi biển biếc
xanh xanh xanh xanh
cái xanh biền biệt
da diết, sao đành.

Trường Sa

trắng ngày đêm trắng
sóng trắng đảo hoa
vượt cạn đắng mặn
ngọt nỗi nhớ nhà.

về bờ

như say tình vỡ
chuếnh choáng lao đao…
phố sóng phường gió
mờ xa yên sao…

những không ảnh từng cù lao

trăng hay đảo sáng
khơi: trời, sóng: mây
sao: thuyền… Lai láng (*)
tuổi nằm nôi bay… bay, bay, bay…

Cước chú của bài Những không ảnh từng cù lao:
(*) từ một hình ảnh của H. Het-sơ (H. Hesse – Câu chuyện dòng sông).


tinh mơ

tím loãng
tà sương
nắng thoảng
tới trường.

bìa vở

lam ngọc
đoá hồng
bàn học
hừng đông.

trà khuya

cúc rã
vào trăng
giấy tả
tơ giăng.

tuổi chiều

tóc bạc
mắt mây
dáng hạc
nẻo gầy.

mưa đông trắng xoá

than bỏng đỏ
vùi xám tro
hoa râm nhớ
hồng mắt chờ.

sông Hương buông rủ

hai nhánh tóc
trĩu ngực gầy
anh bật khóc
Huế trong tay.

cảm thông Hồ Dzếnh

giọng ngát tím
chiều lênh loang
vườn ngất lịm
dâng trăng vàng.

nắng dưới vòm me

óng ả tóc
hai mươi xanh
lá đò dọc
chở hương chanh.

con gái biển

sóng kiềng ốc chuỗi
da nâu mật hương
tóc xanh ánh muối
đỏ mặn môi hương.

làng chài

sân phơi truông cát
nóng chảy nắng nung
hồn đêm trăng ngát
nhạc rượu biếc lừng.

nhìn qua mắt lưới

buồm bật vút gió
lá mọc trùng khơi
bãi ngàn ô vở
trang biển trang trời.

đảo lạnh

ngực đen cuộn sóng
biển động lấp thuyền
bão gầm xoáy lộng
mùa cưới giòn duyên.

mùa lụt

nghẹn củ khoai sùng
gót hà rạn rỗ
đê ngăn trời vỡ
đò níu ngọn mung!

mùa bưởi

nhị nắng trắng hương
trái đầy giọt lệ
đắng cay quê mẹ
chín ngọt vườn sương.

mùa hạn

rang thóc trên đồng
sông sâu nẻ cháy
gặt rơm tháng bảy
khựng liềm rét đông.

mùa mía

niềm đất trắng phơ
nghìn đời chắt mót
khúc ru mật ngọt
tím từ xác xơ.

dân dã

lên rẫy tiếu lâm qua nương truyền thuyết
hồ xanh trời, xanh quan họ nhà nông
đoá môi ngon màu ca dao tình tứ
núi đồi huyền thoại quá chừng sắc không.

thiên đường trăng mật

tím ngan ngát hoa và phơn phớt nắng
sim sim mua mua vàng hồ phấn thông
tình yêu ngất, cỏ ngây, bươm bướm vút
và bay lên trời là chèo trên nước biếc
mênh mông.

thuỷ cung vàng đá

bất chợt luân hồi thành loài cá lạ
bơi bơi trên ốc thon dài, thon mọng trắng hồng
rúc vào rong thơm, bông bênh sóng tóc
vụt cười vang cùng mặt trời bềnh bồng.

thơ tặng những thiên nhiên hồng…

giữ ngát chất trầm sau manh áo bạc
em giấu trăng trinh sương mỏng hương đồng
tình đếm tuổi bằng mùa sen đỉnh lục
giờ cưới cả đất trời, nồng vợ mặn chồng.

máy cày Giao Chỉ đêm,
những vầng trăng đất


bỏng chân ngón choãi bao đời
bao đời trũng cát lụt bồi phù sa
bấm bùn ngón choãi nghìn xa
trăng đất, xới, nhoà, chói rực dấu xưa.

từ hình tượng cổ

bờ vai gánh nắng gánh mưa
oằn tấm bé trĩu già nua, chai sờn
bao Người Mẹ gánh cháu con
vít vổng truông mòn in bóng non sông.

ca dao cánh trắng

lay phay tro xám mưa đông
nón cời, nghiêng, tơi lá, còng, rét co
cấy khom lùi gót ai hò
nghe trắng dáng cò bùn bạc ngát xanh.

đồng dao cò trắng

hương rơm lửa ấm chái tranh
mắt long lanh da mét tanh ran hồng
lá bùn bong bé mơ mòng
nét trắng xanh đồng viết trắng trời đen.

khe nước biến màu

áo mão ngụy triều (*) – xoáy nhạc jazz lê-dương –
tanh gỉ kiếm thiên hoàng –
mũ phớt Ốx (**) – mùa bùn đen thẳm
cỏ úa Niu Zi-lân (***)
nắng chảy ngầu tóc nữ thần vàng
bủ vào nam thăm con, giày ống bên dép cao su,
cát rỉ trào đỏ mặn
gánh trên vai một-trăm-ba-mươi-năm,
trẻ thơ khóc tràn suối trắng,
lang thang… .

Cước chú của bài “Khe nước biến màu”:
(*) Ngụy triều, tính từ năm 1885 về sau…
(**) Ốx-trây-li-a: Úc.
(***) Tân Tây Lan.
(****) Tính từ năm 1858…
(4 chú thích trên vốn có trong bản đã xuất bản, 1995).
Australia, New Zealand (Chua thêm: 20. 03. 2005).


lưỡi đao hai khối

đường đất đỏ trước nhà
đôi khi như sông máu
người lính Miền Nam Kô-rê-a chư hầu (*)
mắt buồn Đông phương
hạt bồ đề Vạn Hạnh tám trăm năm trôi giạt
mang vết chém ngang mình,
hai bao lơn quê hương.

Cước chú của bài “Lưỡi đao hai khối”:
(*) Miền Nam Cao Ly: Hàn Quốc.
Korea (Chua thêm vào chú thích 1995: 20. 03. 2005).


thời trang

xống nhuộm màu nâu vương hương rơm cổ tích
tháp gạch lượn quanh xoè ngát suối đào
váy ca dao bay vào tương lai biếc
đỏ mai tôi xưa thẳm quá chiêm bao.

nghệ sĩ

hồng quần hồng quần hát vút chân mây
lụa hồng tà cánh cò lửa bay bay
cái rét Miền Trung mái nhì tím ngát
hừng đông từ phương nam em đêm nay.

trạng nguyên

kĩ-sư-trạng-lợn trồng cây khế chín
– quần nái đen khăn quạ tía – của anh
chân bùn ra khơi mỏ dầu truyền thuyết
thương vàng yếm thắm say thắt lưng xanh.

hoa khôi và dân khúc

tay ngà che bớt nụ cười hoa ngâu
đừng soi gương liếc mắt sắc dao cau
cắt trái tim anh rụng rơi giữa phố
tim vỡ đoá sen khăn em đội đầu.

ngủ dưới túp lều tranh phên trát

tóc khét nắng chang ban trưa tuổi nhỏ
áp tai nghe từng nẻ ruộng hanh hao
lật tảng phân trâu (mái hầm? nấm mộ?)
dế vô lo khuya gáy tận chiêm bao.

trời và đất

gió lãng mạn vợi vời bay bổng nắng
chân ngập bùn, gai thủng gót, không hay!
cánh diều vút, thênh thang thiên thai biếc
dây nói trăng sao nối trái tim say.

đồ chơi điện tử

con nuôi chim trong hộp đàn điện tử
cá đớp mồi theo xoáy nước nam châm
đời ông ruộng sình đời cha dinh thự
quý tộc nhớ gì nắng đốt mưa dầm?

đáy mắt bão

soi vào con mắt đang cười
ngẩn ngơ? là lạ bóng người quen quen?
thì ghé nghiêng cả hai bên
vẫn nguyên dáng lụa? Em quên chính mình!

lực mắt bão

kính bao năm bỗng trong hơn
chỉ thêu hồn chữ vuông tròn tên em
lại đưa trang báo cùng xem
xuyên qua nhãn tự, sâu thêm chút tình.

trường mắt bão

tới đây ngồi trước vòm trời
tầm nhìn lồng lộng rộng vời ngày đêm
vầng trăng và trái tim mềm
đừng xa xăm trong ngực em thế này.

áp mắt bão

ru yên sóng gió mắt mình
xoáy cuồng sức ép giữa thinh lặng trời!
cân thôi rung địa chấn đời
trên bệnh án dấu son môi ngọt hồng!

ngân hà

đời thành mùa hẹn hò khổ đau, thuở ấy,
những người yêu cất nhà
trên dải sông sao bạc
mộng và mị mông lung, rét mướt mưa ngâu
hay chỉ trong trang thư chi chít
nét chữ úa màu – mảnh trời xanh
qua bao trạm gửi…
vẫn giạt xa nhau, sóng hừng đông
quá hoang tưởng buổi đầu
(bâng khuâng đôi dòng buồn tủi!)
giữa bão táp từ hai bờ hoá biển mặn trắng phau.

địa cầu bùng nổ thông tin

khoa học ngỡ thần thoại giữa trần ai rất thật
trái tim xứ đen thênh thang
trong lồng ngực da vàng
nhịp đập Huế vọng vang tận sớm mai Đa-nuýp (*)
dẫu loài người vẫn bé nhỏ đến hư vô
quanh quả đất mênh mông thu gọn lại
trên bàn!

Cước chú của bài Địa cầu bùng nổ thông tin:
(*) Sông Danube (Chua thêm: 20. 03. 2005).


hiệu ứng nhà kính

có lẽ nào chỉ là người đẹp nhựa
nồng cháy hôn lên đôi môi chất dẻo rất tình
dưới những ống khói cuồn cuộn đen,
có lẽ nào đều là người máy
đâu rồi khí quyển thơ ca che mát hành tinh?

vi tính cho trái tim

quả bóng màu mua về cho trẻ nhỏ
nẩy giấc rong chơi cùng em theo khinh khí cầu
yêu dấu ơi, đừng nổ súng vào mộng tưởng
này là lập trình,
hạnh phúc la đà,
với bao đôi người tình tạm rời bùn đất,
kể cả những chiếc dù cấp cứu đời nhau.

ánh sao

sao đã nghìn năm tắt
còn lóng lánh từng đêm
cuộc tình xưa đã mất
còn long lanh mắt em.

liễu rủ

sông vắt lòng, trơ cát
cho mượt đồng mênh mông
suối tóc đành xơ xác
liễu xanh ru mộ chồng.

nến hồng

xoan xuân buồn gãy cánh
gục đầu vào dòng sông
tuổi hai mươi ngả lạnh
hong đời bên nến hồng.

hạt máu

bùn – mây, trong tượng thánh
thoắt xong, dựng đầy trời!
em – bền lòng đức hạnh
bởi một hạt máu côi.

tem thượng cổ và phố

bay về từ thuở hoang sơ
người xưa vấn khố cười ngơ với rừng
tem vang mang tác mịt mùng
gió miền tiền sử trần lưng thị thành.

tem điện tử và yêu

trắng chim câu vệ tinh xanh
quanh quả-đất-hoá-ngọt-lành-trái-tim!
cuống vi ba không lặng im
chớp hoài sóng bắc liếc tìm sóng nam.

tem thiên giới và đời

bay lên sao Thổ lam làm
quên đi bong bóng đầy tham si này
tem in vũ trụ trong tay
thắp trời viễn tưởng đắng cay tím chiều.

tem tuổi nhỏ và mộng

tem cách điệu rất phiêu diêu
bay vào lớp học sáng nhiều nét son
màu run nét vẽ ngợp hồn
gửi tương lai tấm lòng còn trắng tinh.

cơ khí

đẹp máy cày màu lửa giữa đồng mưa
sen đỏ của bùn, đoá hôn của ruộng cằn
– ngỡ cỗi cằn sức trẻ
xanh ngọn tóc, vàng hương rơm, nâu chim sẻ
bay lên từ vầng đông kia đang lầm lội
với gió mùa.

con gái làng và trạm giống

trăng rất thật là tròn đầy miệng thùng thóc sáng
anh thôi cuội, ta về với cõi người thôi! mặc nỗi
nhớ trần ai treo bâng khuâng vợi vời
chuyện thuốc giấu đa đề
trơ trọi và đá sỏi giữa trời xa đày ải
hãy thụ phấn cổ tích vào mùa xanh thênh thang
óng vàng bạt ngàn bát ngát mênh mang
và dưới vòm sữa mỡ màng em
tươi tốt giùm anh hai hạt noãn chói ngời.

xe máy và máy-cùng-hát

đàn đom đóm lên đèn vi vút
trong giấc ngủ quê xưa
giờ đây, màu trắng nê ông bình yên,
sao sao bỗng dưng hoa mắt
màn ảnh nhỏ thắp dịu dàng lời hát
nhưng đã đến lúc thế này chưa em,
dẫu biết tuổi đời
chỉ một mùa đom đóm lượn tìm nhau.

thuỷ lợi

anh đứng ngắm dòng kênh xanh long lanh
mồ hôi mặn chát
nhớ nao nao sợi dây buộc bụng thắt lưng
cho xanh ngắt ruộng đồng
giật gấu vá vai, còn cách nào khác
khi từ bùn đất bay lên
với đôi cánh tay không!

chữ thập ngoặc và kẻ sĩ…

trán ngời chất ngọc
ngạt dưới bùn rong
đen nghìn bão lốc
quăng quật chút lòng (*).

Cước chú của bài Chữ thập ngoặc và kẻ sĩ…:
(*) Bản đã xuất bản: tấc lòng.


Quốc Xã và Gơ-ben (*)

ba thầm bảy thét
không tin không im
triệu rỉ tỉ phét (**)
đầu rủ mắt dim!

Cước chú của bài Quốc Xã và Gơ-ben:
(*) Gœbel.
(**)Bản đã xuất bản: hét.
(Chú thích ngày 20. 03. 2005).


nghĩ về toà án

trắng đen tiếng buá
toả sóng – cáp quang
xéo vành móng ngựa
còn oằn nỗi oan?

thức giấc, mảnh đất da vàng và 1973

một thời máu chảy ruột mềm
đau nhìn vượt cắp gọng kềm nghiến tim
sân trường, thét nỗi nín im
bừng tia chớp những quờ tìm mù đen.

biển đời

một thời dầm mình lãng quên
biển mơ, quặn sóng gió rền rĩ xanh
“cắp” xoài cúng Phật vàng hanh
ném bóng mình – kiếp “trời” hành với thơ.

giằng xé

một thời lãng đãng bâng quơ
tóc trùm tai, mướt xanh thờ thẫn xanh
vỡ niềm gạch vỡ góc thành
khoác rêu óng ả tan đành đoạn sương.

mũi tên, sống của chết

một thời rách rưới xanh xương
mét xanh tàu lá bên đường tả tơi
bàng hoàng, ơi kiếp cũ ơi
bứt mình ngọn cỏ mặt trời vút bay.

trấu và men rượu

một thời ngây ngất cơn say
đỏ niềm mộng tưởng rót đầy chiêm bao
nuốt mặn đắng rất ngọt ngào
cam ngàn cái thực lận vào cái điên!?

giữa tấn tuồng sấm sét

một thời cay cực buồn phiền
hoảng hồn, em, chính là triền đất hoang?
cỏ dâng dâng cỏ ngút ngàn
vùi lên tôi
nấm mộ
bàng hoàng
đêm.

kính tặng quê nhà

bao năm về chết đất này
cỏ leo giường mục phủ dày tập thơ
lẽ ra râu tóc trắng phơ
nhờ ơn bút mực nên giờ còn xanh.

chất độc

bao năm phố quẩn phường quanh
lạc xiêu trầm lụy tròng trành u mê
lặng nhìn con trốt vỉa hè
cuốn bao “hàng mã” trút về kênh đen.

“Nhật kí người điên”

bao năm kinh sách chong đèn
từng con chữ cũ nấm lên phiến rầu
một nguồn Biển Chết (*) đỏ màu?
gào đau – Lỗ Tấn, thét sầu – Đinh Linh (**)!

Cước chú của bài “Nhật kí người điên”:
(*) Biển Chết (Tử Hải), ở Isặl (Do Thái), nơi phát hiện “Kinh Thánh” của người Do Thái… Phải chăng chủ nghĩa Mác là một sự phủ định “Kinh Thánh” và Giáo hội chuyên chế để khẳng định một hệ tư tưởng mới với sự kế thừa những yếu tố của Kinh Thánh và Giáo hội chuyên chế… Đó cũng là tiến trình biện chứng của sự phát triển bất kì hệ tư tưởng nào. Mặc dù có thể cùng chung một nguồn, nhưng chủ nghĩa Mác (vô thần) với Thiên Chúa giáo (hữu thần) vốn chống đối, triệt tiêu nhau.
(**) Lỗ Tấn (1881 – 1936), nhà văn cánh tả Trung Quốc; ông bắt đầu hoạt động sáng tác văn chương trong phong trào Ngũ tứ vận động (1918…), trở thành một trong những vị thầy của nền văn học vô sản. Đinh Linh (1904 – 1986) cũng là nhà văn cộng sản Trung Quốc; nhưng bà bị quy là cánh hữu, bị đấu tố, nhục hình từ 1957 và cả trong thời “Cách mạng văn hoá” (1966…); được phục hồi từ 1979.
(Xem: “Từ điển văn học” (bộ mới), NXB. Thế Giới, 2004, ở các trang thuộc hai mục từ này).
Nếu Lỗ Tấn lên án bản chất “người ăn thịt người” của các hình thái nhà nước trước khi hệ thống xã hội chủ nghĩa hình thành (1917), thì chính Đinh Linh lại bị “đại cách mạng văn hoá vô sản” tại Trung Quốc “ăn thịt”! Nói theo cách của một sử gia, đó là cái oái oăm lịch sử hay là chân lí lịch sử? Phải chăng sứ mệnh của bộ phận tiên tiến trong nhân loại nói chung và nhà văn nói riêng là phải luôn luôn đấu tranh (dưới bất kì hình thái nhà nước nào) cho đến một thời viễn tưởng (hay hoang tưởng?) – thời không còn giai cấp, nhà nước, chính đảng, tôn giáo… như chủ nghĩa Mác – Lê-nin đã khẳng định.
Vấn đề đáng ưu tư về quá khứ và về hiện thực trước mắt là mức độ cũng như tính chất của sự thể “người ăn thịt người”, “người bức hiếp người”, và thái độ của con người chân chính trước sự thể ấy!
Xin xem thêm 2 tập thơ “Giọt mực, cánh đồng và vở kịch điên”, “Tôi vẫn ở trên đường” (đặc biệt là các trang phụ lục mới được bổ sung, 2005) và tiểu thuyết “Mùa hè bên sông” (Nỗi đau hậu chiến) của Trần Xuân An.
(Chú thích ngày 20. 03. 2005).


đêm tối

đột biến nắng ngời chất lửa hạ
hạt bão vùi trổ nghẹn vườn cằn
rễ chạm mạch nghìn xưa tươi máu
nền khuya sáng ngần sao ngọc lan.

trái đỏ

rưng rưng sương rơi theo ngàn úa vàng
đứng sững, trong nấm mồ xác lá
quả tim hồng nẩy cây xanh trĩu quả
tàn rụng võ vàng, úa để xuân sang!

1991

phương nam vàng tươi, bấc phùn xứ bắc
miệt vườn hồng lũ, mỏ than óng mùa
bay bay trong veo lâng lâng toả mật
xẻ dọc con đường bên nắng bên mưa.

kĩ nghệ

kẻ sĩ buồn ở ẩn góc lao xao
sạch Tây Tàu bút lách luồn chớn chở
thời rền máu sao đến thời rặt chợ
khát công trường phòng nghiệm, nến tàn hao.

tâm hồn Trăm Việt

bỏ lại Lưỡng Quảng mênh mông
nỗi giận hoá núi rừng
rồng giương móng – chĩa sắt –
chặn bàn chân giặc
cánh cò lửa trên cán thép Trường Sơn
xoè bóng mát
sóng gió lấp láy cần đàn,
dạt dào xao xuyến luyến rung.

ca dao Nam Ai Nam Bình

viên gạch Hồi In-đô
còn ướt đất Phù Nam Shi-va tây bắc
xa xăm?
vượt biển xanh? hay bươn rừng?
đỏ nung trên bãi bờ thưa vắng
trống đồng Chim Lạc Việt Thường
đành vùi bùn tro thầm lặng!
và sáu-tám-Kinh-Mường
mãi thắm hồng
hồn lục-bát-Thái-Chăm.

gốc giọng Thạch Sanh

gà rừng gáy Óc Eo – trên vùi lấp cảng chợ
xanh tràm
cây đước choãi rễ
lấy mình giữ phù sa Hi Ma xứ lạ
máu Kinh Tày pha Chăm
chất tiếng giờ đây ngọt quá
giữa bát ngát bùn hoang
bác Ba Phi Khơ-me ha hả
tẩm giọng tình
hương đường thốt nốt
phương nam!

trong vòng tay biên giới

vầng trán da chàm Việt Kinh
ấm nụ hôn Việt Chăm nâu hồng
(chợt ngán ngẩm những tranh đoạt
những hàng rào vàng, đen, trắng, “đỏ”!)
tiếng lục lạc reo trên tay
lung liêng
nắng thơm tháp cổ
mỉm cười nhìn uyên ương tung vó ngựa
xoải dài suốt dải non sông.

“nhược tiểu”…

tha thiết tiếng ca thao thức với đất lành
bỗng èo uột mát tươi niềm khờ khạo
chất độc chích vào, viễn mơ, mộng hão
con tò vò nuôi con sâu xanh!

bão khơi

gân guốc một đảo đá
dập vùi nghìn sóng thần
nước tung tràn động biếc
đọng ngời tiếng chim ngân.

từ 1982

buốt "cơn hoang tưởng" "niềm đau mắt"
bão xoáy bỏng tim hội chứng đời
trào nỗi bệnh mây nhàu nếp trán
biển mặn dâng sóng vỗ con ngươi

đôi mắt bốn nghìn năm

cái nhìn mềm mại như sông
khuấy bùn dao chém vẫn trong không rời
nhìn từ nguồn cội xa xôi
cong queo rất thẳng phía trời rạng đông.

nhịp điệu vỉa hè, kinh điển

dệt hoa lên vải, xuân ra ruộng vườn
ủ nhụy ngoài đồng, tết vào phường phố
ơn đời mồ hôi, và đời mắc nợ
đoá “cẩm tú cầu” chất xám ngát hương.

ở ngã ba, biển tên đường

mũi giáo xoáy đùi người ngồi đan sọt
chín chín đỉnh Hồng, kìa ai ngóng vua!
kẻ sĩ nào đây nghiến sầu kiếp mọt
đục sách hốc tối chữ rêu thắp mùa?!

Hàn nho và Tài tử đa cùng (*)

áo xanh, nhà trắng – gấm vóc, lầu đài!?
trên cát hát tràn, giữa đồng ứ hự
tâm đỏ muội đèn, chí vàng lính thú
thông vút – mo cau, đầu cúi – cành mai!

Cước chú của bài ““Hàn nho” và “Tài tử đa cùng””:
(*) Hai bài phú của Nguyễn Công Trứ và Cao Bá Quát.
(Chú thích ngày 20. 03. 2005).


với Tùng (*)…

ngâm thấm tanh bùn, đục bào dác vỏ
rất đỗi con người, tre gỗ dựng nhà
cỏ khô che nắng, đất nung che gió
đạp trên cỏ đất?! rường cột đơm hoa!

Cước chú của bài Với Tùng…:
(*) Một bài thơ của Nguyễn Trãi.
(Chú thích ngày 20. 03. 2005).


Gióng, người con của trời

nỗi uất nghẹn đứa trẻ câm
bỗng vang hồn nước, đỏ tầm tre vung
sạch thù, xoải vào vô cùng
lòng dân – xanh rộng, anh hùng – cánh chim.

Thạch Sanh, khát vọng từ đất

hoà bình, vang ngát lắng im
tiếng đàn cho giặc trái tim con người
nồi cơm độ lượng không vơi
nàng tiên, câm, cũng hát lời dân gian!

dọc đường

mới trước
đã sau
xanh mượt
trắng đầu!

mỗi người

ngọn cỏ
treo sương
chuốc gió
xoáy cuồng!

lúc nhìn

sáng nắng?
trăng mơ?
hồ lặng
nét thơ.

nhà thơ

lầm lội
khơi vơi
tám cõi
nghìn đời.

trà thơ

đây em, sương muối nắng hanh…
nỗi đời – vò nát chồi xanh hồn này
toan trơ trụi lá khô cây
thôi thì chát chén trà say với người.

bút thơ

đây em, vắt sắc tóc ngời
nỗi đời – bóp – thả, đầy – vơi, ứa – ròng
sá gì giọt mực trên sông
cũng xin cấy chữ xuống đồng đón xuân.

sống thơ

đây em, lóng bút – đòn cân –
tao nôi hẫng, quả tim ngân mảnh gầy
anh cân hồn chữ anh đây
đặt lên trang giấy, gió bay, không đành!

nghiệp thơ

đây em, cơn khát trời xanh
sao bao đồng, sao loanh quanh quẫn mình
trái tim ơi lũ lụt tình
chuốc ma mị nỗi tà tinh, bọt bèo!

trắng giấy

giấy trắng, chồi xuân chưa xanh
cánh hoa rời, đỗ long lanh ánh đào
kết cùng bè chữ chiêm bao:
lục bình trôi cõi xưa nào đây em?

trắng khăn

hoa và chữ ấm khăn tay lụa mềm
vân chìm mây, tre trúc, nắng, trắng thềm
thời mộng tưởng em thêu bài thơ biếc
trong đĩa hồng, thắp bấc sáng ngày đêm.

trắng tay

cánh hoa rơi mực đỏ nhem
bàn tay trắng phấn dạy kèm trắng khô
chân chim – đường phận, mơ hồ!
thơ bốn nhánh, đau nhánh thơ cuối cùng?

trắng tranh

thơ và hoa trên góc lụa lên khung
tơ – tóc xanh – bỗng bạc trắng nghẹn ngùng
vầng trán gấp tư ngắm tranh song hỉ:
bốn bánh rẽ bùn – tứ tuyệt rưng rưng.

im lìm

ơi em, đời chả ra sao!
điên và dại ở trong “bao” (*) chết chìm
ngỡ đành ngủ giấc im lìm
may thay dây bục trái tim bồng bềnh.

Cước chú của bài “Im lìm”:
(*) Thơ Tố Hữu: “Gỡ lối “bao” xưa, người mọc cánh; được mùa “khoán” mới, đất lên men” (bài “Đêm cuối năm”), phê phán cơ chế cũ nặng tính chất quan liêu, bao cấp (bao cấp gắn liền với thói tệ quan liêu làm một).
(Chú thích ngày 20. 03. 2005).


rong chơi

ơi em, tim mẻ đá ghềnh
nở hoa bèo tím lênh đênh cõi người
giạt trôi theo gió rong chơi
nhìn mây trắng ngẫm chuyện đời đất đen!

thung thăng

ơi em, triều mặn gió rền
bèo ra cửa chết, ngợp đèn giăng giăng
lại dung dăng sống thung thăng
thành sao biển rủ sao băng xuống đời.

tầm phơ

ơi em, mấy kiếp luân hồi
vẫn một tôi thuở nằm nôi đến giờ
nghêu ngao cười khóc tầm phơ
và rêu rong rất người-thơ-mây-trời.

xem tranh tuổi thơ

vỏ cây nứt xếp thành gương mặt
gió rơi vèo điểm đôi mắt xanh
tìm đâu ra đoá hoa mùa bão
vẫn lá thôi, nụ cười long lanh

nhìn đốm lửa thuốc lá

một mai vẫn làn khói lạ
tan cùng thoáng gió tinh sương?
nắng có bâng khuâng đọng hạt
xin ơn vệ cỏ ven đường.



Trần Xuân An

TIẾNG CHUÔNG XƯA

sáng nay em đi chùa
lòng tôi buồn hơn xưa
một thời con dế nhỏ
ngậm sương mùa tương tư
một thời con kiến nhỏ
khóc vùi trên đường mưa

sáng nay em đi chùa
tóc em cài hoa xưa
thắp lên mùi hương khói
trên bình nhang linh hư

môi em thuyền bát nhã
xa tôi bờ đời mưa
ngắn dài câu gian dối
ướt sũng lời lọc lừa

sáng nay em đi chùa
em mặc áo người xưa
dìm tôi dòng mộng cũ
ngậm nhánh rong mơ hồ

sáng nay em đi chùa
lá ngủ còn hương xưa
tôi làm con chim nhớ
hót mừng ai giao mùa?

tôi là chim đổi xứ
tìm hoài mùa ngây thơ
tôi mang thân cổ thụ
níu mãi mây ngu ngơ
một đời còn thương nhớ
khi nghe tiếng chuông xưa.

1973




ĐỌC MỘT TRẦN XUÂN AN LẠ LẪM…

bạt của Hoàng Dũng (*)

“Giọng thơ Trần Xuân An tuồng như chính là mêlôđi (**) của đồng quê trong Nắng và trong Mưa, là âm thanh của giọt nước tàu cau trước sân nhà, và là tiếng hát của chim sơn ca giữa trời xanh mây trắng”; quả là sắc sảo nhận xét của Hoàng Phủ Ngọc Tường về tập thơ đầu tay Nắng và mưa. Nhưng đến tập thứ năm này, bản hoà âm điền dã đã mờ nhạt đi rất nhiều.
Nhạt đi, chứ không mất hẳn. Vẫn là một Trần Xuân An trước đây, trong trẻo và dịu dàng như hồn Đất. Trong thơ anh, cũng như trước, thiên nhiên không có cái cuốn hút của sự kì vĩ. Sắc màu bình dị của hoa đồng cỏ nội đủ lay động hồn anh. Và ở những câu thơ thành công nhất của anh, người ta phải bàng hoàng trước cái đẹp thanh khiết của thi ca. Đây, câu thơ lộng lẫy, nhạc điệu ngây ngất, lảo đảo như chuếnh choáng hơi men, không, phải nói là như trạng thái nhập đồng:
“tím ngan ngát hoa và phơn phớt nắng
sim sim mua mua vàng hồ phấn thông”
Đây, tài tình không, những liên tưởng bất ngờ, những chuyển đổi cảm giác tinh tế mà một bông hoa súng đơn sơ giữa đồng không gợi lên trong anh:
“lung lay chim nhỏ
hé giọng đỏ hồ
búp bấc đèn nở
đêm loang bao giờ”.
Nhưng đậm lên rất nhiều là một Trần Xuân An thích triết lí; vì vậy, có khi không ngại rối rắm để biểu đạt. Tôn giáo, vũ trụ, máy cày, tem thư, toà án, sống chết… và nhất là lịch sử đều có thể khơi gợi ở anh cảm hứng triết lí. Và nhìn một hướng khác, cũng đậm hơn rất nhiều là một Trần Xuân An chói gắt, bề bộn, đa dạng, thành thị. Chỉ cần đọc tiêu đề một số bài thơ cũng đủ cho ta cái ấn tượng ấy: Từ vệ tinh, ảnh không lời về những quảng trường lăng tẩm trên trái đất, Khoả thân sống, Đồ chơi điện tử, Địa cầu bùng nổ thông tin, Hiệu ứng nhà kính, Vi tính cho trái tim… Điều ấy thể hiện ngay ở tên các tập thơ; này xem, bốn tập trước còn nhẹ nhàng: Nắng và mưa, Hát chiêu hồn mình, Tôi vẫn ở trên đường, Lặng lẽ ở phố, thì nay: Kẻ bị ném vào bão! Những câu thơ day dứt thế này thật hiếm hoi ở các tập trước: “thời rền máu sao đến thời rặt chợ”, “bao năm phố quẩn phường quanh, lạc xiêu trầm lụy tròng trành u mê”, “cơ hồ giáp mặt cuộc đời…, tôi ngồi bệt xuống ngó tôi trên nền”…
Ngay cả về kĩ thuật, cũng có nhiều nét không giống trước. Dường như Trần Xuân An muốn thí nghiệm. Hầu hết các bài thơ trong tập thơ này đều chỉ bốn dòng, nhưng tất cả, theo cách nói của anh, là loại “thơ bốn nhánh”, “thơ bốn chuỗi chữ”. Tuy nhiên, trong hạn định ngặt nghèo ấy, anh vẫn tự do: một bài chưa đủ, thì bốn bài liền mạch như một bộ tứ bình; câu thơ đa dạng, cả một phổ từ hai chữ đến vài chục chữ; thể thơ khi tự do, khi tứ tuyệt cổ điển, khi lục bát…; vần gieo đủ loại: vần liền, vần cách, vần lưng, vần chân…, cho đến cả vần ngỡ không vần, và cũng không ngần ngại dùng đến loại vần dân dã chữ cuối câu lục ăn với chữ tư câu bát; ở một số bài, các hình ảnh đột ngột, bề ngoài như rời rạc, mà sâu xa được nối kết bằng những liên tưởng…
Một Trần Xuân An lạ lẫm như vậy đã thấp thoáng trong Lặng lẽ ở phố, nhưng phải đến Kẻ bị ném vào bão mới rõ nét.
Gấp tập thơ lại, người đọc có cái bâng khuâng khi thấy tỉ lệ các bài thơ ta thích không nhiều bằng các tập trước. Nhưng rồi giật mình: Không khéo lại lẩn thẩn, đòi phải trở lại một Trần Xuân An hệt như xưa! Không, “thơ anh tránh được những lối mòn quen thuộc, có nét độc đáo trong ngôn từ và một cái ‘souffle’ riêng” (Trần Phong Giao) (***), thì chính anh cũng phải tránh lối mòn của chính mình, tự vượt lên với một giọng điệu mới. Cái mới nào cũng làm ta bỡ ngỡ! Thử nghiệm cái mới thành công sẽ khiến ta thay đổi cả nền tảng thẩm thức! Trên con đường thăm thẳm của thi ca, phải dám chấp nhận khả năng lạc bước, và điểm đến của sáng tạo không phải bao giờ cũng là ảo ảnh.
Khẳng định hay phủ định, điều đó thuộc về thời gian.


Tp. HCM., cuối năm 1994
HOÀNG DŨNG


Cước chú của bài Bạt của Hoàng Dũng:
(*) Bởi có nhiều Hoàng Dũng thành danh trong thời đoạn này, do đó, xin xác định đây là giảng viên Đại học Sư phạm Huế (PTS.) & Đại học Sư phạm TP. HCM. (PGS. TS).
(**) Melody: âm điệu du dương; giai điệu.
(Chú thích ngày 20. 03. 2005).
(***) Souffle: hơi thơ (khí thơ).



KẺ BỊ NÉM VÀO BÃO
tập thơ
TRẦN XUÂN AN

◘ Tựa: Cao Quảng Văn
1.Thay lời ngỏ: Chén rượu tràn bông khế tím
2.đồng không, bông súng
3.đất và cát
4.quê cha
5.mặc niệm mới: Người Mẹ Việt Nam
6.tình yêu
7.đùa chút đỉnh với “tôn nữ” và mưa…
8.một-đi-không-trở-lại và ảnh ảo
9.sức hút của đất
10.thắp nhang
11.cuồng tín
12.thơ ở Nhà Cười với những khung kính
13.tượng trắng và hoa sân nhà
14.còn trong gió rét
15.khi không và về đâu
16.ảo giác Đầm Sen
17.sớm của muộn
18.vườn trẻ cho tuổi xế tàn
19.tuổi bỗng triệu năm và tươi trẻ
20.bên những nấm mộ
21.ở đan viện đồi thông
22.khất thực và thiền
23.tượng Phật Tánh trong chùa nguyên thuỷ
24.chút lòng về trước
25.phân thân
26.ca dao khóc
27.xứ cát
28.tranh tố nữ (I)
29.tranh giọt lệ (II)
30.tranh Người Mẹ (III)
31.tranh Tây Nguyên (IV)
32.dáng đàn chòm sao (I)
33.chất sáo (II)
◘ phụ bản 1: trăng, bùn và ánh sáng…
34.kèn hồng hoang (III)
35.đàn bầu (IV)
36.từ vệ tinh, ảnh không lời về những quảng trường lăng tẩm trên trái đất
37.thấy ở hiệu may
38.khoả thân sống
39.đen đúa (I)
40.xanh bầm (II)
41.bạc trắng (III)
42.biếc trong (IV)
43.mùa xuân (I)
44.mùa hạ (II)
45.mùa thu (III)
46.mùa đông (IV)
47.tàu đi (I)
48.Trường Sa (II)
49.về bờ (III)
50.những không ảnh từng cù lao (IV)
51tinh mơ (I)
52.bìa vở (II)
53.trà khuya (III)
54.tuổi chiều (IV)
55.mưa đông trắng xoá
56.sông Hương buông rủ
57.cảm thông Hồ Dzếnh
58.nắng dưới vòm me
59.con gái biển (I)
60.làng chài (II)
61.nhìn qua mắt lưới (III)
62.đảo lạnh (IV)
63.mùa lụt (I)
64.mùa bưởi (II)
65.mùa hạn (III)
66.mùa mía (IV)
67.dân dã (I)
68.thiên đường trăng mật (II)
69.thuỷ cung vàng đá (III)
70.thơ tặng những thiên nhiên hồng… (IV)
71.máy cày Giao Chỉ đêm, những vầng trăng đất
72.từ hình tượng cổ
73.ca dao cánh trắng
74.đồng dao cò trắng
◘ phụ bản 2: Dáng cò
75.khe nước biến màu (I)
76.lưỡi đao hai khối (III)
77.thời trang
78.nghệ sĩ
79.trạng nguyên
80.hoa khôi và dân khúc
81.ngủ dưới túp lều tranh phên trát
82.trời và đất
83.đồ chơi điện tử
84.đáy mắt bão (I)
85.lực mắt bão (II)
86.trường mắt bão (III)
87.áp mắt bão (IV)
88.ngân hà
89.địa cầu bùng nổ thông tin
90.hiệu ứng nhà kính
91.vi tính cho trái tim
92.ánh sao (I)
93.liễu rủ (II)
94.nến hồng (III)
95.hạt máu (IV)
96.tem thượng cổ và phố (I)
97.tem điện tử và yêu (II)
98.tem thiên giới và đời (III)
99.tem tuổi nhỏ và mộng (IV)
100.cơ khí (I)
101.con gái làng và trạm giống (II)
102.xe máy và máy-cùng-hát (III)
103.thuỷ lợi (IV)
◘ phụ bản 3: Chắt chiu
104.chữ thập ngoặc và kẻ sĩ…
105.Quốc Xã và Gơ-ben
106.nghĩ về toà án
107.thức giấc, mảnh đất da vàng và 1973 (I)
108.biển đời (II)
109.giằng xé (III)
110.mũi tên, sống của chết (IV)
111.trấu và men rượu (V)
112.giữa tấn tuồng sấm sét (VI)
113.kính tặng quê nhà (I)
114.chất độc (II)
115.“Nhật kí người điên” (III)
116.đêm tối
117.trái đỏ
118.1991
119.kĩ nghệ
120.tâm hồn Trăm Việt (I)
121.ca dao Nam Ai Nam Bình (II)
122.gốc giọng Thạch Sanh (III)
123.trong vòng tay biên giới (IV)
124.“nhược tiểu”…
125.bão khơi
126.từ 1982
127.đôi mắt bốn nghìn năm
128.nhịp điệu vỉa hè, kinh điển
129.ở ngã ba, biển tên đường
130.Hàn nho và Tài tử đa cùng
131.với Tùng…
132.Gióng, người con của trời (I)
133.Thạch Sanh, khát vọng từ đất (II)
134.dọc đường
135.mỗi người
136.lúc nhìn
137.nhà thơ
138.trà thơ (I)
139.bút thơ (II)
140.sống thơ (III)
141.nghiệp thơ (IV)
142.trắng giấy (I)
143.trắng khăn (II)
144.trắng tay (III)
145.trắng tranh (IV)
146.im lìm (I)
147.rong chơi (II)
148.thung thăng (III)
149.tầm phơ (IV)
150.xem tranh tuổi thơ
151.nhìn đốm lửa thuốc lá
152.vườn cây đời (bìa 4)

◘ phụ bản 4: Cuối cùng xin một lần cảm ơn (trong “Hát
chiêu hồn mình”) – Nguyễn Long phổ nhạc
154.tiếng chuông xưa (trong “Nắng và mưa”) &
◘ phụ bản 5: Tiếng chuông xưa cũ – Lê Văn Hoà
phổ nhạc
◘ Bạt của Hoàng Dũng
◘ Mục lục.


VÀI NÉT VỀ TÁC GIẢ

Trần Xuân An
Sinh ngày 10. 11. 1956.
Nơi chôn nhau cắt rốn: Huế.
Quê cha đất tổ: Quảng Trị.
Tuổi học trò theo cha và anh sống ở nhiều nơi.
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế (1974 – 1978). Dạy học ở Lâm Đồng gần 5 năm.
hiện chuyên sáng tác, nghiên cứu tại TP. HCM.
(hội viên Hội Nhà văn TP. HCM.)

1971, cùng bạn bè chủ trương tập san Đất Vàng, trong giới học sinh ở Tam Kỳ (Quảng Nam – Đà Nẵng), với bút hiệu Huyên Đình (Người Mẹ).
1973, “Tiếng chuông xưa” , bài thơ lãng mạn đầu tiên in trên Tuổi Ngọc.
1975, được tặng thưởng “Một trong mười bài thơ hay nhất trong năm” của báo Văn nghệ Giải phóng.
1991, giải Sáng tạo trẻ, Hội VHNT. Quảng Trị.

DANH MỤC
TÁC PHẨM, SOẠN PHẨM, BIÊN KHẢO
CỦA TÁC GIẢ
(tính đến 2005)

Tác phẩm đã xuất bản và đã đăng kí bản quyền tại Cục bản quyền tác giả văn học nghệ thuật Việt Nam:

1. Nắng và mưa, thơ, Hội VHNT. Quảng Trị, 1991.
http://www.giaodiem.com tháng 7-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/705_index.htm
2. Hát chiêu hồn mình, thơ, Nxb. Đồng Nai, 1992.
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuananthitap2.blogspot.com/
3. Tôi vẫn ở trên đường, thơ, Nxb. Văn Nghệ Tp. HCM., 1993.
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuananthitap3.blogspot.com/
4. Lặng lẽ ở phố, thơ, Nxb. Trẻ, 1995.
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuanantthitap4.blogspot.com/
5. Kẻ bị ném vào bão, thơ, Nxb. Trẻ, 1995.
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuananthitap5.blogspot.com/
6. Hát với đời ơi thương mến, thơ, Nxb. Trẻ, 1996.
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuananthitap6.blogspot.com/
7. Quê nhà yêu dấu, trường ca thơ, Nxb. Văn Nghệ Tp. HCM., 1998.
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuanantruongcatho7.blogspot.com/
8. Có một nơi lá mãi xanh, tiểu thuyết, Nxb. Hội Nhà văn, 1999.
http://www.giaodiem.com tháng 7-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/705_index.htm
9. Ngôi trường tháng giêng, tiểu thuyết, 1998, Nxb. Thanh Niên, 2003.
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuananngoitruongthgieng.blogspot.com/
10. Sen đỏ, bài thơ hoà bình, tiểu thuyết, 1999, Nxb. Thanh Niên, 2003.
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuanansendobthhbinh.blogspot.com/
11. Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), truyện – sử kí – khảo cứu tư liệu lịch sử, trọn bộ 4 tập, 2002 – 2003; Nxb. Văn Nghệ TP. HCM.
http://www.giaodiem.com tháng 11-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_IV05/1105_index.htm
12. Ngẫu hứng đọc thơ, phê bình thơ, 2003; NXB. Văn Nghệ TP. HCM., 2005
http://www.giaodiem.com tháng 7-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/705_index.htm

Tác phẩm đã hoàn tất bản thảo:

13. Mùa hè bên sông (Nỗi đau hậu chiến), tiểu thuyết, 1997; hai bản đã sửa chữa và bổ sung, 2001 (lần hai) và 2003 (lần ba).
Website Giao Điểm:
http://www.giaodiem.com tháng 6-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/605_index.htm
14. Thơ những mùa hương, thơ.
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuanantthitap9.blogspot.com/
http://tranxuananthitap9.blogspot.com/
15. Giọt mực, cánh đồng và vở kịch điên, thơ.
http://www.giaodiem.com tháng 9-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/905_index.htm
16. Nước mắt có vị ngọt, tập truyện ngắn, 1999.
http://www.giaodiem.com tháng 10-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_IV05/1005_index.htm

Soạn phẩm biên khảo đã hoàn tất bản thảo:

17. Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), thơ – Vài nét về con người, tâm hồn và tư tưởng (biên soạn – nghiên cứu, phản bác, và tập hợp một số bản dịch, bài khảo luận văn học và sử học về NVT.), 2000 & 2003.
http://www.giaodiem.com tháng 8-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/805_index.htm
18. Tiểu sử biên niên Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường – “kẻ thù lớn nhất của chủ nghĩa thực dân Pháp” (từ Đại Nam thực lục, rút gọn), dạng niên biểu, sách dẫn chi tiết, phần I, 2001.
19. Những trang Đại Nam thực lục về Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886) và các sự kiện thời kì đầu chống thực dân Pháp… (Quốc sử quán triều Nguyễn, Tổ Phiên dịch Viện Sử học VN.), chọn lọc, phần II, 2001.
20. Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), “những người trung nghĩa từ xưa, tưởng không hơn được”, khảo luận và phê bình sử học, 2002 & 2003. Website Giao Điểm:
http://www.giaodiem.com
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/505_index.htm
21. Suy nghĩ về một số vấn đề trong lịch sử cổ đại nước ta, khảo luận, 7.2004.
http://www.giaodiem.com tháng 9-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/905_index.htm


GHI CHÚ THEO THỦ TỤC:

TÁC GIẢ GIỮ BẢN QUYỀN TỪNG CHỮ, TỪNG Ý TƯỞNG CỦA MÌNH.
TRÂN TRỌNG
VÀ THÀNH THẬT BIẾT ƠN.



KẺ BỊ NÉM VÀO BÃO
tập thơ
TRẦN XUÂN AN
1995
NHÀ XUẤT BẢN TRẺ

Tranh bìa: Giữa bão, NGUYỄN THÁI TUẤN
Ảnh tác giả: NGUYỄN NGỌC KHÔI – VÂN ANH
Phụ bản: TRẦN XUÂN AN (vẽ), NGUYỄN LONG,

Bìa 4


Ảnh chân dung tác giả


VƯỜN CÂY ĐỜI

có thể không cần nữa câu thơ gọi mùa?
sự sống tự hát lên tiếng nói
xanh mướt lá, trái vàng tươi đỏ chói
nhưng bóng ai đăm đắm
trong long lanh hạt mưa…

TRẦN XUÂN AN



TRUY CẬP THÊM THEO CÁC ĐƯỜNG LINKs BÊN CẠNH
HOẶC CÓ THỂ BẤM VÀO DÒNG CHỮ
VIEW MY COMPLETE PROFILE
Ở BẢNG ABOUT ME
[ có thể xem như trang chủ { # homepage # } ] –
http://www.blogger.com/profile/14904482
– ĐỂ TỪ CÁC ĐƯỜNG LINKs TẠI ĐÓ,
ĐỌC NHỮNG TÁC PHẨM KHÁC CỦA TÁC GIẢ
TRÊN WEBs / BLOGGER.


NGOÀI RA, CÓ THỂ TRUY CẬP THÊM
CÁC TÁC PHẨM SÁNG TÁC, KHẢO LUẬN, BIÊN SOẠN
CỦA TÁC GIẢ
TRÊN TẠP CHÍ ĐIỆN TỬ GIAO ĐIỂM
(xin bấm vào các đường LINKs sau đây):

http://www.giaodiem.com/mluc/
mluc_III05/505_index.htm

http://www.giaodiem.com/mluc/
mluc_III05/605_index.htm

http://www.giaodiem.com/mluc/
mluc_III05/705_index.htm

http://www.giaodiem.com/mluc/
mluc_III05/805_index.htm

http://www.giaodiem.com/mluc/
mluc_III05/905_index.htm

http://www.giaodiem.com/mluc/
mluc_IV05/1005_index.htm

http://www.giaodiem.com/mluc/
mluc_IV05/1105_index.htm

http://www.giaodiem.com/mluc/
mluc_IV05/1205_index.htm


http://www.giaodiem.com/mluc/
mluc_IV05/1105_txa-ky-content.htm



Trân trọng và cảm ơn.
Tác giả,
Trần Xuân An